TỌA ĐÀM NHÂN KỶ NIỆM 42 NĂM NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM (20/11/1982 – 20/11/2024)
Lượt xem:
Cách đây 42 năm, ngày 28/9/1982, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã có quyết định làm nức lòng giáo giới và nhân dân cả nước, đó là: Hàng năm lấy ngày 20/11 là “Ngày Nhà giáo Việt Nam”. Kể từ đó, ngày 20/11 hàng năm đã trở thành ngày hội của giáo giới Việt Nam, là ngày để toàn xã hội tôn vinh những người đã và đang đóng góp bao công sức, bao tâm huyết với sự nghiệp “trồng người”. Đây cũng là dịp để các thế hệ học trò bày tỏ tình cảm kính trọng, lòng tri ân sâu sắc với quý thầy cô, những người chở đò cần mẫn trên dòng sông tri thức.
Hình ảnh người thầy đã đặt dấu ấn vô cùng quan trọng trong đời sống tinh thần xã hội. Chúng ta khó có thể kể hết tên tuổi của những người thầy vĩ đại trong suốt trường kỳ lịch sử phát triển của đất nước. Họ là những người đã có công rèn đúc những nhân tài cho đất nước, tạo nên nguyên khí của quốc gia, nhờ đó mà đã bảo tồn và phát triển được các giá trị truyền thống thiêng liêng của dân tộc. Những người thầy ấy đã có những cống hiến xuất sắc về cả tài năng và đức độ cho đất nước. Đó là: Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Quý Đôn, Lương Thế Vinh, Nguyễn Thiếp, Nguyễn Đình Chiểu… Gần đây hơn, đó là Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp và biết bao người thầy giáo vô danh khác. Họ là những người thầy, họ còn là những chiến sĩ yêu nước đáng kính …
Người thầy giáo qua các thế hệ đã đem lại nhiều vinh quang cho dân tộc. Và chính họ, nhờ họ đã tạo nên cho nước nhà lớp lớp học trò xuất sắc để kế tục và phát huy được một cách xứng đáng truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam và nghề dạy học cũng vì vậy mà có được một truyền thống cực kỳ vẻ vang.
Lúc sinh thời, Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã từng nói: “Nghề dạy học không có gì xuất sắc và oanh liệt, người thầy giáo không có tượng đồng, bia đá nhưng là người anh hùng – anh hùng tập thể, anh dùng vô danh.” Điều đó đã khẳng định vị thế, sự tôn vinh của xã hội đối với người thầy giáo, nghề dạy học.
Thật là diễm phúc lớn cho những người làm nghề dạy học. Vì đó là một nghề cao quý. Nhưng, người dạy học cũng còn một trách nhiệm vô cùng lớn lao. Người làm nghề dạy học là những người không những có tri thức khoa học mà còn phải có lòng say mê nghề nghiệp, yêu thương con người, cái tài cái tâm và lòng nhiệt tình quyện chặt với nhau, tạo nên nhân cách người thầy giáo. Việc làm của chúng ta là cực kỳ khó khăn vất vả, bởi đối tượng của chúng ta là con người, sản phẩm của chúng ta là văn hoá, học vấn, nhân cách và cả một hệ thống phẩm chất, năng lực. Đó là giá trị gốc tạo ra mọi giá trị.
Khác với người khác trong xã hội, người thầy giáo, với tư cách mô phạm (mẫu mực) không thể tuỳ tiện làm thêm bất cứ việc gì để kiếm sống, không thể tuỳ tiện trong ứng xử, sinh hoạt… Người ta nhìn vào người thầy như một mẫu hình toàn diện, trọn vẹn để vươn tới.
“Giáo dục trước hết là chuyện làm gương. Gương nào thì mặt ấy! Người thầy dạy trò không chỉ bằng trí tuệ hơn hẳn trò một bậc, mà còn dạy họ bằng toàn bộ nhân cách của mình. Trò học chữ của thầy, còn học cả cách sống, cách xử thế của thầy ”
Trong cơ chế thị trường hiện nay, hơn ai hết, hơn bao giờ hết, người thầy giáo phải phấn đấu giữ mình với nhân cách và phẩm chất nhà giáo chân chính. Nhiều đồng nghiệp của chúng ta đã tâm niệm, giữ vững được và bằng kết quả lao động miệt mài không nghỉ của mình đã tạo nên lớp lớp học sinh chăm ngoan học tốt và luôn được học sinh, nhân dân tôn kính, ngưỡng mộ.
Dạy học là một nghề cao quý, nhưng không phải ai làm nghề dạy học cũng là người cao quý. Muốn trở thành người cao quý, mỗi một người thầy phải tự khẳng định mình bằng thực tiễn dạy học và rèn luyện phẩm chất đạo đức của bản thân, phải trăn trở suy nghĩ cải tiến phương pháp dạy học-giáo dục, phải giúp các em học giỏi, chăm ngoan mới xứng đáng với niềm tôn vinh đó.
Quảng đời học sinh tuy được qua tay chăm sóc của nhiều thầy cô giáo. Nhưng trong ký ức của các em thường chỉ lưu lại hình ảnh những người thầy giáo mà chúng yêu mến nhất. Chắc chắn đó là những người thầy giáo giỏi, dạy các em hiểu bài, biết gần gũi, cảm thông và chia sẻ cùng các em những niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống thường nhật. Biết động viên khích lệ các em vượt lên những khó khăn, giúp các em gặt hái được những thành công trong cuộc đời. Làm được như vậy đó mới thực sự là những thầy giáo hạnh phúc. Và vị thế thiêng liêng đó hoàn toàn phụ thuộc vào cái tâm và cái tài của bản thân người thầy, cô giáo.
Trong xã hội ngày nay khi Khoa học kỹ thuật – CNTT phát triển bùng nổ như vũ bão, thì tài nguyên thiên nhiên không còn giữ vai trò quyết định nữa, mà ưu thế quyết định cho sự phát triển là con người, trí tuệ con người. Yếu tố con người quyết định tất cả, thì sự học càng trở nên tối cần thiết. Nắm bắt được xu thế đó mỗi một gia đình ngày nay dù nghèo khó đến đâu cũng cố cho con ăn học kiếm lấy “dăm ba chữ” đặng vào đời được chủ động, đỡ khổ hơn!
Hiện tại tuyệt đại đa số phụ huynh đã và đang cố hết sức mình giúp con em học tập tốt làm tròn nghĩa vụ xã hội đối với sự nghiệp giáo dục của nhà trường. Nhiều gia đình đã để lại truyền thống học tập tốt, giáo dục chăm sóc được những đứa con ngoan gửi tới nhà trường làm những hạt giống tốt, trở thành tấm gương về học tập cho con em lối xóm, góp phần xây dựng ý thức thái độ học tập, phong trào học tập ở các thôn.
Nhờ vậy cũng đã góp phần làm cho chất lượng giáo dục của nhà trường trong những năm qua đã có những chuyển biến tích cực làm thay đổi hẳn bộ mặt và đáng được ghi nhận. Chất lượng học tập ngày càng được chấn chỉnh. Đạt được kết quả đó bên cạnh sự phối hợp tốt của gia đình và xã hội thì một phần lớn chính là nhờ sự cố gắng không ngừng nghỉ của đội ngũ thầy, cô giáo nhà trường. Chúng ta thực sự vui mừng vì những gì đang có được, bởi đó là thành quả lao động quên mình vì học sinh của chính chúng ta trong thời gian qua.
Hôm nay, trong không khí đầm ấm mà trang nghiêm, chúng ta cùng nhau “ôn cố tri tân” nhắc lại truyền thống vẻ vang của nhà giáo để rồi càng yêu thêm nghề dạy học, không ngừng phấn đấu chăm lo giáo dục thế hệ trẻ xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng bộ và nhân dân huyện Lý Sơn.